Phân tích ưu nhược điểm của đường điện đi âm và nổi

Có hai phương pháp đi đường điện phổ biến trong các công trình xây dựng: đi dây điện âm và đi dây điện nổi. Mỗi phương pháp sử dụng sẽ có ưu nhược điểm riêng, tùy thuộc đặc điểm công trình và nhu cầu sử dụng cũng như chi phí bỏ ra để các gia đình lựa chọn phương pháp đi đường điện cho phù hợp.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về hai phương pháp đi đường điện trên, ưu nhược điểm của từng loại:

Đường dây điện đi âm

Đường điện đi âm là phương pháp đặt trực tiếp đường dây điện hoặc đặt dây điện trong các đường ống dẫn và chôn chúng vào bên trong tường hoặc mặt sàn nhà. Với phương pháp này thì hệ thống đường điện phải được thiết kế sơ đồ bản vẽ chi tiết và lắp đặt đường điện ngay trong quá trình xây dựng nhà. Sơ đồ bản vẽ cần phải được lưu giữ để thuận tiện cho vấn đề sửa chữa sự cố hệ thống điện về sau.

Đường điện đi âm Tường

Ưu điểm khi đi dây điện âm

-Các đường dây điện được chôn âm bên trong tường, sàn nhà có tác dụng tiết kiệm không gian. Tránh cảm giác rối mắt, làm giảm vẻ đẹp bởi hệ thống đường dây điện loằng ngoằng, mất thẩm mỹ.

-Hệ thống đường điện được che chắn bao nhiêu càng đảm bảo an toàn cho người sử dụng bấy nhiêu, tránh tình trạng hở dây gây điện giật. Đồng thời, giúp bảo vệ đường dây điện tránh các tác động từ bên ngoài gây hư hỏng, giảm chất lượng.

Nhược điểm khi đi dây điện âm

-Cần phải lên bản vẽ chi tiết về sơ đồ mạch điện trước khi xây dựng, sửa chữa nhà và phải lưu trữ bản vẽ phục vụ cho vấn đề hư hỏng hệ thống điện cần sửa chữa về sau.

-Phức tạp khi cần khoan, đục trần – tường – sàn, cần phải đối chiếu bản vẽ để tránh khoan đục vào vị trí đường điện.

-Chi phí lắp đặt hệ thống đường điện đi âm cao hơn so với đường điện đi nổi

-Phức tạp khi xảy ra các sự cố về đường điện, quá trình sửa chữa khó khăn – mất thời gian – tốn kém chi phí.

Lưu ý khi đi dây điện âm

-Không tùy ý lắp đặt hệ thống điện âm nhà mình nếu không có kiến thức chuyên môn.

-Không lắp chung nhiều đường dây điện với các dây cáp wifi, dây ăng-ten…

-Luồn dây điện trong các ông bảo vệ có tính năng chống thấm nước, chống cháy…trước khi chôn âm trong tường- sàn

-Không nối tắt điện nhất là ở các khu vực trục chính

-Nên chừa phần dây thừa dự trữ để tiện lợi cho quá trình hư hỏng, sự cố xảy ra để tiện sử dụng.

Đường dây điện đi nổi

Đường điện đi nổi là cách đi đường điện trực tiếp trên mặt trần – tường nhà sau khi xây dựng hoàn thiện mà bạn có thể nhìn thấy hệ thống đường điện. Các đường dây điện có thể được gắn trực tiếp lên mặt trần – tường – sàn hoặc giấu chúng trong các đường ống nhựa tròn.

đường điện đi Nổi

Ưu điểm khi đi dây điện nổi

-Cách làm này giúp tiết kiệm được nguồn cho phí đáng kể so với các đi đường điện âm

-Không cần lên bản vẽ mạch điện trước hoặc sơ đồ mạch điện cũng dễ dàng được thay đổi hơn khi cần thiết

-Quá trình lắp đặt hệ thống dây điện nổi đơn giản và dễ dàng hơn nhiều.

-Khi có sự cố về đường điện, cần sửa chữa thay mới hay đấu lại thì công việc này cũng thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều.

Nhược điểm khi đi dây điện nổi

-Do mạch điện đi nổi trên mặt trần tường sàn nên chúng sẽ chiếm đi phần nhỏ diện tích không gian nhà. Đồng thời, hệ thống điện có thể gây rối mắt, giảm giá trị thẩm mỹ không gian

>>Xem thêm: Đóng trần thạch cao phòng khách giúp che đi các đường điện đi nổi

-Đường dây điện nổi trở nên mất an toàn đối với người sử dụng nhất là khi chúng sử dụng một thời gian dài, hư hỏng, dễ gây giật…

-Đường điện dễ chịu tác động của các yếu tố môi trường, dễ hư hỏng và xuống cấp nhanh hơn so với các đoạn dây điện được chôn trong tường.

-Dễ gây sự cố cháy nổ khi chập điện.

Lưu ý khi đi dây điện nổi

-Khoảng cách từ mặt sàn đến đường dây điện phải đạt chiều cao tối thiểu 2m để tránh gây vướng víu, cản trở, gây mất an toàn trong quá trình sinh hoạt của gia đình.

-Nên gắn cố định và chắc chắn đối với gia đình có trẻ nhỏ hay người già, người bệnh tật. Hoặc đóng trần giả (trần thạch cao, trần nhựa…) để che đi mớ đường dây điện hỗn độn phía trên, giúp không gian nhà thêm thẩm mỹ hơn. Đây là cách làm phổ biến cho các công trình xây dựng hiện nay.

-Lên luồn đường dây điện bên trong các đường ống tròn hoặc dẹp và gắn cố định chúng trên mặt tường, Đồng thời đảm bảo tiết diện ống phải có kích thước phù hợp với kích thước và số lượng đường dây điện để tránh tai nạn chập cháy.

-Tuyệt đối không thực hiện đấu tắt trong ống ghen vì khi dòng điện chạy qua sinh nhiệt, kích thích độ ẩm khiến chỗ đây dễ bị oxi hóa gây tai nạn chập cháy làm nguy hiểm đến tính mạng.

-Trong trường hợp không luồn dây điện trong ống nhựa thì bạn cũng nên bọc bảo vệ chúng bằng các vật liệu chống cháy và cố định chúng lên mặt tường.

-Với các không gian phòng ẩm ướt như phòng tắm, phòng bếp… để đảm bảo an toàn nên đi điện âm hoặc nếu đi nổi thì buộc phải bảo vị chúng bằng các hộp ống để tránh rò rỉ, chập nổ điện. Hoặc lựa chọn đóng trần thạch cao nhà tắm hay trần nhựa nhà tắm để đảm bảo vẻ đẹp và sự an toàn…

-Sửa chữa hoặc thay mới ngay với các đoạn đường điện có dấu hiệu hở, dập vỡ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Mong rằng những phân tích cụ thể về từng phương pháp đi đường điện nổi – âm trên đây sẽ giúp ích tới bạn và gia đình.